Trong lòng đại dương bao la chứa đựng nguồn năng lượng tái tạo rất lớn nhưng công nghệ khai thác là một vấn đề mà các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu. Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bách Khoa Madrid - Tây Ban Nha đã chế tạo và thử nghiệm thành công nguyên mẫu thiết bị khai thác năng lượng từ đại dương, có khả năng làm việc ở các vùng nước sâu.
Công trình nghiên cứu này xuất phát từ sự hợp tác của Công ty Balenciaga Astilleros và Fundación Centro Tecnológico Soermar, đã đáp ứng thành công các mục tiêu của các nhà nghiên cứu: Chi phí sản xuất, cài đặt, bảo dưỡng đều rẻ hơn các phương pháp thông thường; có thể tạo ra một sản lượng điện năng đáng mong đợi; có thể hoạt động thông qua hệ thống điều khiển từ xa và hoạt động được ở các vùng nước sâu; giá cả của thiết bị phù hợp với khả năng chi trả của những nhà máy đóng tàu cỡ trung bình.
Nguyên mẫu thử nghiệm có kích thước bằng 1/10 kích thước thật của một thiết bị có khả năng sản xuất ra 1MW điện. Một đặc điểm nổi bật của mẫu thử này so với những công trình nghiên cứu trước đây là mẫu thử được thiết kế gắn liền với phao neo trên mặt nước phục vụ cho công tác bảo dưỡng máy phát điện hoạt động ở vùng nước sâu 40m.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bách Khoa Madrid - Tây Ban Nha giải thích về thiết kế mới thử nghiệm: “Thế hệ đầu tiên của hệ thống khai thác năng lượng từ các dòng hải lưu là các máy phát điện được đặt ở dưới nước, do đó công tác bảo dưỡng rất tốn kém. Thế hệ thứ hai bao gồm, hệ thống phao neo đậu kết nối với hệ thống thiết bị hoạt động dưới nước để các thiết bị được bảo dưỡng thường xuyên ở trên mặt nước. Nguyên mẫu thử nghiệm của chúng tôi thuộc thế hệ thứ 2. Thành phần chính của mẫu thử nghiệm (như hình ảnh) bao gồm một thiết bị trung tâm và 3 thiết bị xung quanh bằng thép không rỉ. Thiết bị trung tâm chứa máy phát điện, bộ nhân, các thiết bị đo đạc bên trong và hệ thống cánh quạt bên ngoài để đón dòng hải lưu.
Trong suốt quá trình triển khai dự án, những thí nghiệm về khả năng tổ hợp và hiệu chỉnh điện năng đã được thực hiện trong phòng thí nghiệm và tại xưởng đóng tàu, chúng tôi cũng đã tiến hành các cuộc diễn tập quy mô trên biển. Dự án đã bổ sung thêm nghiên cứu về thủy động lực học cũng như thử nghiệm về khả năng kiểm soát năng lượng. Những nghiên cứu này đã được thực hiện bằng các mô phỏng số hóa khác nhau”.
Trong thời gian tới các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành thử nghiệm trên các nguyên mẫu lớn hơn để điều chỉnh và cải thiện hiệu suất của thiết bị.
Trong mẫu thử nghiệm mới này, các nhà nghiên cứu tập trung hoàn toàn vào việc khai thác năng lượng của các dòng hải lưu. Có nhiều năng lượng to lớn từ đại dương có thể khai thác như: sóng, thủy triều, độ mặn, chênh lệch nhiệt độ… Ước tính nguồn năng lượng này có thể cung cấp gấp nhiều lần nhu cầu sử dụng năng lượng hiện nay của con người.